Đầu năm 2021 thị trường bất động sản có những diễn biến hết sức “khó lường” khi giá đất “nhảy múa” ở tất cả các địa phương trừ Bắc tới Nam tạo nên cơn sốt khủng khiếp nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, hiện tượng này lợi mới thấy nhưng hại về lâu dài thì không thể tưởng tượng được.
Trước đây thị trường cũng đã trải qua nhiều đợt sốt nhưng mang tính cục bộ chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn nhưng hiện tại người người buôn đất, nhà nhà chơi đất, mất ăn, mất ngủ vì đất. Có thể do nhiều yếu tố tuy nhiên, theo chúng tôi có những nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Tiền mất giá.
Lãi suất huy động thấp chưa từng có, nhiều nước còn có hiện tượng lãi suất âm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid làm đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa không luân chuyển được, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phá sản. Các gói cứu trợ của nhà nước đối với nền kinh tế liên tục được bơm vào làm cho giá trị của tiền rẻ buộc lòng những người có tiền phải rút tiền để ném vào các kênh đầu tư khác có tỷ lệ sinh lời tốt hơn. Đây là nguyên nhân theo chúng tôi là THIÊN THỜI. xảy ra đồng loạt tất cả các nước trên thế giới.
Thứ hai: Kênh đầu tư khan hiếm
Bình thường tiền phải nằm trong các phương án sản xuất hoặc thương mại nhưng hai khâu này chết dẫn đến việc các nhà đầu tư phải tìm kiếm kênh mới trong đó có thể kể đến như chứng khoán, vàng, tiền ảo, bất động sản. Dòng tiền này rất lớn nên bơm vào đâu thì kênh đó sốt tới đấy, vào vàng làm vàng tăng giá phi mã, vào chứng khoán, tiền ảo làm kênh này lập đỉnh liên tiếp, đương nhiên nếu vào đất thì đất cũng phải sục sôi.
Thứ ba: Thông tin quy hoạch
Đất nước ta đã bước sang giai đoạn mới, thế và lực ngày một tăng, khả năng quản lý, điều hành vĩ mô của chính phủ, chính quyền các cấp rất tốt vì vậy quy hoạch các địa phương, quy hoạch các ngành liên tục được tung ra giúp các nhà đầu tư vén thấy được những cơ hội đầu tư rõ ràng hơn. Chỉ cần cho các nhà đầu tư một lý do dòng vốn tích tụ lại trong ngắn hạn làm giá tăng đột biến, thị trường gần như dựng đứng. Đây chính là yếu tố mang tính ĐỊA LỢI.
Thứ tư: Các nhà đầu tư cá mập.
Nếu ở trên là thiên thời và địa lợi đã có thì cần người châm lửa cho quả bom này phát nổ. Đó chính là các nhà đầu tư cá mập. Họ là người có tiền, có thông tin, có quan hệ chỉ là họ không có trái tim mà thôi vốn họ đi tới đâu là giá đất nhảy múa tới tới, đây chính là yếu tố NHÂN HÒA. Yếu tố này kết hợp với tư duy đầu tư số đông làm cho thị trường ảo càng thêm ảo.
Đã đủ các yếu tố trên rồi thì tăng giá là tất yếu thôi. Cùng chúng tôi tìm hiểu xem dấu hiệu nhận biến cơn sốt lần này.
Dấu hiệu 1: Có quy hoạch.
Đất nước chúng ta sau 35 năm đổi mới, đang dần có diện mạo mới, tuy nhiên cũng chỉ mới đạt trên 30% quá trình đô thị hóa, nơi đó tập trung cho các các thành phố lớn hoặc các trung tâm hành chính của các tỉnh, huyện. Cơ sở hạ tầng nghèo nàn, chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng được nhu cầu. Quá trình tích tụ tư bản đang không ngừng diễn ra, chúng ta phải tập trung nguồn lực cho các ngành trọng yếu, ở khu vực nông thôn chương trình xây dựng nông thôn mới cũng bước đầu có kết quả tạo được bộ mặt mới cho nông thôn. Đó là chưa kể tới việc thế và lực đất nước đang lên, các kênh đầu tư đang chuyển dịch từ những nước khác sang môi trường ổn định của chúng ta để làm ăn, tạo nhiều cơ hội cho thị trường lao động. Điều đó giúp cho đời sống nhân dân không ngừng được tăng lên là cơ sở để nhà nước bắt đầu bước sang giai đoạn mới là giai đoạn phát triển phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho từng vùng, địa phương, từng ngành. Khi quy hoạch được công bố ra người dân đặc biệt là các nhà đầu tư như bắt được “kim chỉ nam” của mình. Nơi nào có quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng, quy hoạch giao thông… được công bố là y như rằng giá bất động sản biến động.
Dấu hiệu thứ hai: Nơi đang hoang sơ.
Các nhà đầu tư thường lựa chọn những vùng đất mới chứ không phải phố, hay vùng dân cư ổn định. Nơi này giá đang giẻ, pháp lý chưa ổn định, mới bắt đầu vao giai đoạn đầu của sự phát triển, quỹ đất đang còn nhiều nên thỏa sức vẽ ra đủ các loại bánh vẽ, mới đẩy được mức giá lên cao, thúc đẩy các khu này dần tiệm cận với các khu vực cũ, đông dân.
Dấu hiệu thứ ba: Truyền thông
Công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội là tác nhân góp phần gom những người “cùng chí hướng” lại một giỏ với nhau. Đối với một thị trường trước đây thì có 1 tới 2 ông cá mập làm sao thao túng được thị trường nhưng hiện nay các trang thông tin bất động sản, các báo, các mạng xã hội đã giúp gom các nhà đầu tư lại với nhau, định hướng hành động đầu tư của họ. Nhiều cá mập, nhiều cá con lại với nhau tạo nên nhu cầu khan hiếm giả trong ngắn hạn làm giá tăng đột biến là tất yếu.
HẬU QUẢ
Việc tăng giá bất động sản là đương nhiên, nhưng nó phải theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của người Việt. Nếu đẩy đi nhanh quá thì nó sẽ để lại hậu quả “THẢM KHỐC” vô cùng cho đất nước sau này, người gánh chịu cuối cùng chính là người dân. Vì sao lại vậy.
Bản chất của tăng trưởng nhất là tăng trưởng thị trường bất động sản phải do vấn đề kinh tế - xã hội quyết định. Có thể có những khu vực sốt, nóng nhưng chỉ mang tính chất cục bộ khi khu vực đó được hưởng những đặc quyền đặt biệt hoặc tới một giai đoạn thay đổi về chất thì tất yếu khu vực đó phải sang một trang mới chứ không phải tăng vô tội vạ, bơm tiền vào là tăng như hiện nay.
Vậy khi tiền rút khỏi kênh đầu tư rồi sẽ như thế nào?
Ai là người ôm cuối sẽ là người lãnh hậu quả đầu tiên. Bất động sản không bán được, mua giá cao phải chờ 5-10 năm thậm chí 20 năm nữa mới tới được giai đoạn tầm giá đó. Mua cao bán lỗ thì mất tiền, để lại chờ thì biết đến bao giờ. Giá trị về tài sản của bất động sản thường rất lớn nên bị “om” vốn lại cơ hội làm việc khác đều không có.
Thứ nữa giá bất động sản tăng cao, nhà đầu tư ồ ạt mua vào mà đất đó chưa phát triển dẫn đến việc nguồn lực bị nằm một chỗ gây lãng phí tiền của của người dân và nhà nước. Nếu giá trị rẻ thì mỗi giai đoạn sẽ khai thác hết được giá trị của nó theo quy hoạch đã được định còn hơn không ai khai thác được gì.
Bất động sản là yếu tố đầu vào của sản xuất và là chốn an cư của các hộ gia đình nhưng xuất phát từ động cơ đầu cơ mà đầu cơ đẩy giá tăng quá giá trị của đất quá nhiều lần làm cho chi phá sản xuất tăng cao, chi phí cho nhà ở cũng vì thế mà cao trong khi thu nhập của chúng ta đang quá thấp, người có nhu cầu thì không có khả năng, người có khả năng thì không có nhu cầu đây mới chính là hậu quả lâu dài nhất cho quốc gia của chúng ta.
Một vấn đề nữa mà không thể không kể đến. Khi sốt thì lao vào như thiêu thân, bất chấp nguyên lý kinh tế, bất chấp rủi ro về pháp lý, cứ có tiền là mua đất thậm chí đất vườn, đất dự án, đất nông nghiệp, đất rừng, đất chăn trâu…..đất có tranh chấp, nhưng khi cơn sốt đi qua các tranh chấp, kiện cáo mới bắt đầu nảy sinh. Vấn đề này ảnh hưởng tới tình cảm, sinh kế hàng ngày của mỗi người, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ án đáng tiếc xảy ra.
Bất động sản là một kênh đầu tư hiệu quả và là kênh đầu tư tốt nhưng phải tỉnh táo để tranh gây ra hậu quả cho mình trước rồi góp phần mình là một trong những tác nhân góp phần kèo lùi sự phát triển của đất nước, những bất ổn anh ninh, chính trị cho địa phương. Các bài học về BUÔN ĐỈA, BUÔN SỪNG TRÂU, LÁ ĐIỀU, LÁ VẢI….đang hiện hữu. Rất mong các nhà đầu tư tỉnh táo để không phải đưa đất vào mặt hàng tiếp theo trong danh sách trên!