Đột phá quy hoạch Hà Nội

Đăng bởi Phạm Ngọc Hoàng vào lúc 28/09/2020

Hà Nội muốn tranh thủ cơ hội, đi tắt đón đầu, có bước đột phá và tận dụng được các tiến bộ trong công tác quy hoạch(QH) của thủ đô.

Lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có buổi làm việc về nhiều vấn đề trong lĩnh vực QH, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Lập ban chỉ đạo

Hà Nội hiện là 1 trong 10 địa phương chưa phê duyệt xong QH. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Hà Nội cần tiếp tục xác định là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm của vùng thủ đô, là thị trường tiêu thụ, cung cấp hậu cần cho vùng trung du, miền núi phía Bắc. Như vậy, thành phố Hà Nội cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như đô thị vành đai, ĐT vệ tinh, xây dựng tuyến giao thông lớn, trở thành hành lang kinh tế, tạo ra trục động lực phát triển. "Hà Nội là Thành phố lớn, công tác QH khó nhưng Thành phố cần đẩy nhanh công tác này. Bộ KH-ĐT sẵn sàng phối hợp với Hà Nội trong công tác lập, thẩm định QH" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay, tiến độ làm QH của thủ đô còn chậm. Tầm nhìn QH của Hà Nội phải thay đổi mạnh mẽ hơn, cần có ban chỉ đạo về công tác QH, trong đó có các chuyên gia, viện nghiên cứu, mời chuyên gia nước ngoài để có cách nhìn khách quan, độc lập, tranh thủ được hết cơ hội, đi tắt đón đầu, đột phá và tận dụng được các tiến bộ trong công tác QH của thủ đô.

Về công tác QH, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, đơn vị thành phố ghi nhận đầy đủ những ý kiến được Bộ KH-ĐT và các bộ đã nêu, từ đó rà soát những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhất là khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền để tháo gỡ từng việc một, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đề nghị Bộ KH-ĐT đặc biệt quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện cho Thành phố thực hiện các nội dung kiến nghị, đó đều là những vấn đề quan trọng cấp thiết.

"Ban Cán sự Đảng UBND thành phố sớm nghiên cứu thành lập ban chỉ đạo gồm các chuyên gia để tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành bám sát các bộ, ngành trung ương, tập trung giải quyết những công trình, DA, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc" - ông Vương Đình Huệ đề nghị.

Chú trọng dài hạn

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung triển khai các bước chuẩn bị cho công tác lập QH TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch. Hà Nội đã ban hành kế hoạch lập QH; thành lập ban chỉ đạo lập QH; quyết định giao cơ quan lập QH của Thành phố; đang chuẩn bị các bước: lập, trình thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng nhiệm vụ lập QH để lựa chọn đơn vị tư vấn trước khi triển khai các bước tiếp theo.

Đại diện UBND Thành phố Hà Nội cho biết về quy hoạch Thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề nghị Bộ KH-ĐT hướng dẫn, hỗ trợ Hà Nội trong nhiều vấn đề. Về bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ QH, theo quy định của Luật Đầu tư công, nhiệm vụ QH được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Thủ tướng phê duyệt) mới đủ điều kiện bố trí vốn thực hiện nhiệm vụ QH.

Về tư vấn lập QH, hiện hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có thông tin cụ thể về đơn vị tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm theo các quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn một số điều của Luật Quy hoạch. Theo quy định của Luật Đấu thầu, trường hợp đơn vị tư vấn xây dựng nhiệm vụ quy hoạch thì việc tham dự gói thầu lập QH sẽ không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Tuy nhiên, theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một DA, gói thầu bao gồm: Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát. Đồng thời, không đề cập đến gói thầu tư vấn xây dựng nhiệm vụ lập QH.

Ngoài ra, theo đại diện UBND Thành phố Hà Nội, việc đồng loạt các ngành, các địa phương tổ chức lập quy hoạch trong một khoảng thời gian nhất định dự báo sẽ khó khăn trong công tác lựa chọn tư vấn. Do vậy, Hà Nội đề nghị Bộ KH-ĐT giúp đỡ, hướng dẫn Thành phố trong việc lựa chọn các đơn vị tư vấn (trong và ngoài nước) vừa đáp ứng được chất lượng theo yêu cầu vừa bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đại diện UBND Thành phố Hà Nội đề nghị trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT chủ trì sớm triển khai lập QH tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành trung ương trong việc lập các quy hoạch ngành quốc gia làm cơ sở cho các địa phương, trong đó có Hà Nội để xd quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính đồng bộ của các QH.

Cơ bản phủ kín QH

Ông Lã Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Quy hoạch - Kiến trúc II Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết đến tháng 9-2020, công tác xây dựng QH KĐT (chiếm 30%) đã đạt khoảng 85% - 86%. Riêng khu vực nông thôn (chiếm 70%), diện tích phủ kín QH đã đạt 93% - 96%.

Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể như: xác định, xây dựng lộ trình có thứ tự ưu tiên và thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng quý, từng năm của giai đoạn 2016-2020; phân công cụ thể cho từng lãnh đạo phụ trách, từng phòng chuyên môn chủ trì và từng cán bộ - công chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn. Vì vậy, tỉ lệ phủ kín quy hoạch được nâng cao, quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch ngày càng được siết chặt, hiệu quả.

 

Theo Bạch Huy Thanh

Người lao động

Tags : thông tin quy hoạch, tiến độ hạ tầng
popup

Số lượng:

Tổng tiền: