Ở cấp Trung ương, các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thành lập với 3 sứ mệnh tiên quyết đúng với mong đợi của nhân dân. Đó là: Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc; tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc và kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng trường hợp cụ thể.
Ở cấp địa phương, Tổ công tác đặc biệt được thành lập, trực tiếp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều hành để nối dài cánh tay cho "chiến dịch quyết liệt" này.
Một số kết quả đã đạt được và tương đối khả quan, hơn 500 dự án bất động sản ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã được rà soát, tháo gỡ vướng mắc; từng bước hoàn thành việc kiểm tra tại các "điểm nóng". Các nơi có nhiều đơn thư, khiếu nại như: Đồng Nai, Bình Thuận cũng đã được tổ công tác tập trung tháo gỡ. Ngoài ra, tổ công tác cũng tiếp nhận và tổng hợp vướng mắc từ nhân dân, doanh nghiệp, hiệp hội.
Tại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo UBND Thành phố cùng các sở ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp gỡ vướng cho từng doanh nghiệp. Kết quả là đã có 4 dự án thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân Thành phố được ưu tiên xử lý ngay sau cuộc họp chiều 20/02/2023. Các CĐT có cơ hội trực tiếp trình bày khó khăn vướng mắc với lãnh đạo Thành phố.
Sự quyết liệt, mạnh mẽ chưa từng có này đã tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa đến người dân, doanh nghiệp trên cả nước, tạo tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.
Để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của "chiến dịch" này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống từ người dân đến chính quyền. Cần cụ thể hóa vấn đề mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh trong cuộc họp gần nhất, ngày 05/5/2023: "Các đồng chí phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong….Sau cuộc họp, chúng ta phải khẩn trương triển khai các giải pháp hoàn thành thủ tục pháp lý…, không thể cứ họp nhiều nhưng thị trường vẫn như vậy, vướng mắc vẫn như vậy".
3 "nút thắt" quan trọng cần tháo gỡ
Thứ nhất, việc điều chỉnh, thay đổi quy hoạch trong thời gian đầu tư giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025: phát sinh nhiều rủi ro và gây thiệt hại cả tài chính lẫn niềm tin cho người dân. kéo theo đó là thiệt hại cho cả thị trường khi các giao dịch gần như đóng băng, dòng thu ngân sách từ thị trường này cũng bị hạn chế.
Điều này được nhìn thấy rõ ở các quy hoạch và các quyết định chưa nhất quán giữa các giai đoạn khi điều chỉnh ở một số địa phương, một số nơi điều chỉnh chuyển đổi đất ở lâu dài thành đất dịch vụ thương mại, giới hạn thời gian sử dụng hoặc một số nơi lại chuyển đổi đất trồng cây lâu năm thành đất ở lâu dài hoặc đất thương mại thành đất ở lâu dài, điều này sẽ gây mất cân đối về mật độ dân số theo quy hoạch, tạo gánh nặng cho hạ tầng. Việc thay đổi quy hoạch cục bộ, thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch sẽ tác động lớn đến tổng thể phát triển xã hội. Các vấn đề liên quan đến hạ tầng hiện nay, tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lớn khác hiện tại đã được thấy rõ, hiện tượng tắc đường, hiện tượng ngập lụt khi có các trận mưa to, hiện tượng ô nhiễm môi trường và khói bụi... ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống trực tiếp của người dân.
Thứ hai, về việc điều chỉnh giá đất xác định để tính các nghĩa vụ thuế liên quan giữa các giai đoạn chưa đảm bảo rõ ràng, phù hợp với các yếu tố của thị trường. Điều này phát sinh nhiều hệ lụy như trì hoãn nộp thuế hoặc khiếu nại kéo dài, cùng hệ lụy về việc hoàn thành cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà không đạt được. Từ đó, một phần khiến cho thị trường rơi vào trạng thái khó thanh khoản, khó phát triển.
Thứ ba, nút thắt lớn hiện tại là việc tổ chức quản lý và thực thi các chính sách pháp luật trong lĩnh vực bất động sản. Hiện tại, việc tổ chức quản lý nhà nước bằng chính sách và các quy định của pháp luật, tuy nhiên, ở mỗi bước thực hiện thì đều có những vướng mắc, có những quy định chưa rõ ràng, điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp hoặc các đơn vị có liên quan đến hoạt động đầu tư bất động sản đều bị chậm tiến độ, phát sinh chi phí và gây ra nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện đầu tư và xây dựng dự án.
Nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế, Chính phủ đã và đang điều hành hết sức mạnh mẽ và kịp thời, giải quyết trực tiếp các vướng mắc về thể chế, chính sách, các địa phương đã có những bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tinh thần quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả tích cực cho thị trường BĐS nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.