Hà Nội: 4 đường lớn ” nghìn tỷ ” sắp mở ở khu vực nội đô lịch sử

Đăng bởi SJK LAND vào lúc 24/05/2021

Khu vực nội đô lịch sử(NĐLS) Hà Nội vừa được duyệt quy hoạch có nhiều tuyến đường lớn đang mở và sắp mở.
Ngày 22/3, TP Hà Nội đã công bố 6 đồ án quy hoạch (QH) phân khu trong vùng NĐLS. Khu vực này giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2, bao gồm 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình.

Theo QH, có nhiều tuyến đường sẽ được mở trong tương lai ở vùng nội đô lịch sử. Dưới đây là 4 tuyến đường sắp mở và 3 tuyến đường khác đang mở trong khu vực này.

1. Đường Vành đai I, đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục (quận Đống Đa và Ba Đình)

Toàn cảnh tuyến đường Hoàng Cầu – Voi Phục sẽ mở trong tương lai. (Ảnh: Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 TP Hà Nội).

Đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục thuộc tuyến đường Vành đai I từ đê Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy, là đường trục chính ĐT nằm trên trục Đông – Tây thuộc khu vực trung tâm thành phố.

Đây là một trong những dự án đường giao thông trọng điểm tại quận Đống Đa – Ba Đình năm 2021.

Tuyến đường có chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang 50 m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt tại các nút Giảng Võ – Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh).

Điểm đầu của dự án là nút giao Hoàng Cầu – La Thành, điểm cuối tiếp giáp với tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, thuộc khu vực đền Voi Phục.

Theo danh mục dự án vốn ngân sách thu hồi đất năm 2021 được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua, năm nay thành phố sẽ tiến hành thu hồi 6,67 ha thuộc các phường Giảng Võ, Ngọc Khánh, Thành Công để tiếp tục triển khai dự án.

2. Đường Vạn Phúc – Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình)

Vị trí tuyến đường Vạn Phúc – Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 TP Hà Nội).

Đường Vạn Phúc – Hoàng Hoa Thám chạy dọc phía Đông phường Liễu Giai, giáp ranh với phường Đội Cấn. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1,2 km, mặt cắt ngang 30 m.

Tuyến đường bắt đầu từ ngõ 218 Đội Cấn (mặt sau của khách sạn La Thành), qua ngõ 279 Đội Cấn, điểm cuối là phố Hoàng Hoa Thám (đoạn phía Tây Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội Habeco).

Hiện nay ngõ 218 và 279 Đội Cấn đã thông và sẽ còn được mở rộng. Đoạn từ ngõ 279 Đội Cấn đến Hoàng Hoa Thám sẽ được mở mới, đi qua một khu dân cư đông đúc chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Dự án đường Vạn Phúc – Hoàng Hoa Thám đã được đưa vào danh mục dự án thu hồi đất để thực hiện năm 2020.

3. Đường Núi Trúc – Sơn Tây (quận Ba Đình)

Vị trí tuyến đường Núi Trúc – Sơn Tây. (Ảnh: Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 TP Hà Nội).

DA cống hóa và xây dựng tuyến đường Núi Trúc – Sơn Tây nằm trong danh mục các dự án thu hồi đất năm 2021 do HĐND TP Hà Nội phê duyệt.

Đường sắp mở này dài khoảng 1 km, chạy dọc địa bàn giáp ranh giữa phường Kim Mã và phường Đội Cấn, quận Ba Đình.

Điểm đầu tuyến đường là nút giao giữa phố Vạn Phúc và cuối ngõ 218 Đội Cấn, điểm cuối là phố Sơn Tây (đoạn giao với phố Trần Phú).

Năm nay thành phố sẽ tiến hành thu hồi 1 ha đất thuộc các phường Kim Mã, Đội Cấn để thực hiện dự án.

4. Đường Kim Mã – Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình)

Vị trí tuyến đường Kim Mã – Hoàng Hoa Thám. (Ảnh: Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 TP Hà Nội).

Đường Kim Mã – Hoàng Hoa Thám là tuyến quan trọng để nối ba trục đường của thành phố: Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn và Kim Mã. Dự án đã được đưa vào kế hoạch sử dụng đất quận Ba Đình năm 2020.

Đường nối này có chiều dài tuyến khoảng 1 km, bắt đầu từ đường Kim Mã, đi qua trường tiểu học Đại Yên, điểm cuối là đường Hoàng Hoa Thám (đi qua giữa nhà số 99 và 101).

Trục đường khi hoàn tất sẽ góp phần cải thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, hạ tầng kỹ thuật và tạo thuận lợi cho việc đầu tư phát triển ĐT.

Ngoài 4 đường sắp mở nói trên, trong vùng nội đô lịch sử con có hai tuyến đường lớn khác đang thi công nhưng chưa hoàn thành là đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài ở quận Đống Đa và đường Đại La – Minh Khai ở quận Hai Bà Trưng.

Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa)

Vị trí tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. (Ảnh: Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 TP Hà Nội).

Tuyến đường dài 1,3 km, mặt cắt ngang 28,3 – 30 m, kéo dài từ nút giao đường Huỳnh Thúc Kháng – Nguyễn Chí Thanh đến nút giao Voi Phục. Tổng kinh phí đầu tư của DA là gần 350 tỷ đồng.

Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài sẽ kết nối hệ thống các tuyến giao thông chính trong khu vực, giảm tải cho các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, đường Láng (thuộc Vành đai II) và đường Đê La Thành (thuộc Vành đai I, đoạn Voi Phục – Giảng Võ).

DA được QH từ năm 2000, UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2003 nhưng do vướng mắc về vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng, đến năm 2019, dự án mới được tái khởi động.

Trong danh mục dự án vốn ngân sách thu hồi đất năm 2021, năm nay thành phố sẽ thu hồi 3,9 ha đất thuộc các phường Kim Mã, Đội Cấn để hoàn thành DA.

Đường Đại La – Minh Khai (quận Hai Bà Trưng)

Vị trí đường Đại La – Minh Khai. (Ảnh: Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 TP Hà Nội).

Đường Đại La – Minh Khai nằm trong DA sửa chữa, nâng cấp tuyến đường vành đai II trên cao trục Vĩnh Tuy – Ngã tư Sở, tổng mức vốn đầu từ 9.400 tỷ đồng và được khởi công từ tháng 4 năm 2018.

Tuyến đường dài gần 3 km, rộng từ 53,5 – 63,5 m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Đến nay, đoạn đường Ngã Tư Sở – Trường Chinh – Ngã Tư Vọng đã được thông xe, còn đoạn Đại La – Minh Khai đang hoàn thiện.

Nguồn: Kinh tế & Tiêu Dùng

Tags : Phân tích - nhận định, thông tin quy hoạch, tiến độ hạ tầng, tin thị trường
popup

Số lượng:

Tổng tiền: