Khoảng 5 năm trước, trong sự khởi sắc của thị trường BĐS sau giai đoạn khủng hoảng, BĐS con lai du nhập vào Việt Nam. Trong cơn nóng sốt của thị trường, các mô hình con lai như condotel, officetel được quảng cáo với vô vàn mỹ từ về lợi nhuận, tiềm năng sinh lời và được đón nhận nồng nhiệt. Thế nhưng chỉ sau một thời gian, những mô hình mới này đã bộc lộ những bất cập khiến người mua khốn đốn.
BĐS căn hộ condotel, officetel… được hiểu là những loại hình BĐS đa chức năng, vốn là những mô hình kinh doanh BĐS đã hiện diện tại nhiều quốc gia. Trong đó, condotel (căn hộ khách sạn) là sự kết hợp của căn hộ và khách sạn; officetel là sự kết hợp của nhà ở và văn phòng. Du nhập vào Việt Nam khi thị trường bắt đầu nóng sốt sau giai đoạn đóng băng, những mô hình này đều được ví von như gà đẻ trứng vàng. Thế nhưng, một thực tế trớ trêu là rất nhiều trường hợp chưa thấy “đẻ” trứng vàng nhưng lại “đẻ” ra những bi kịch cho giới đầu tư.
Condotel (căn hộ khách sạn) là điển hình cho thực tế trên với hàng loạt lùm xùm như dự án condotel Cocobay phá vỡ cam kết lợi nhuận, FLC không chi trả lợi nhuận cho khách hàng… Trong khi đó, “gà đẻ trứng vàng” officetel dù không ồn ào như condotel nhưng cũng đang khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh khốn đốn.
Cách đây hơn 3 năm, chị Nguyễn Thị Mỹ Tuyền (Hoàng Mai, Hà Nội) mua một căn officetel ở trung tâm Hà Nội với giá 1,8 tỷ. Khi đó chị Tuyền rất tin tưởng vào quyết định đầu tư của mình do căn hộ sở hữu vị trí đắc địa trung tâm thủ đô, nguồn cầu văn phòng hứa hẹn rất tiềm năng do số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng trưởng mạnh qua các năm, đặc biệt là sự bùng nổ của làn sóng startup. Sau khi nhận nhà, chị Tuyền thuê đơn vị thiết kế, thi công nội thất. Thế nhưng hơn 1 năm, chị không tìm được khách thuê. Nguyên nhân là bởi xung quanh căn officetel của chị có vô vàn các tòa nhà văn phòng đa đạng các loại diện tích thuê. Khối startup thì có xu hướng tìm thuê các văn phòng co-working do tính linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Như vậy, lực lượng khách thuê đều đã bị hút hết về các tòa văn phòng xung quanh.
|
Một thực tế trớ trêu là rất nhiều trường hợp chưa thấy BĐS con lai “đẻ” trứng vàng nhưng lại “đẻ” ra những bi kịch cho giới đầu tư. Ảnh minh họa |
Sau gần 1 năm không có khách, chị Tuyền buộc phải đầu tư làm lại toàn bộ nội thất theo hướng căn hộ gia đình để cho thuê. Dù đã rất tiết kiệm nhưng tổng chi phí hai lần làm nội thất, thuê người thiết kế đã khiến chị Tuyền tiêu tốn thêm khoản tiền tương đương hơn 1/3 giá trị căn hộ. Trong khi đó, giá cho người nước ngoài thuê cũng chỉ được 10 triệu/tháng. Căn hộ cho thuê được 9 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến vị khách người Hàn về quê ăn Tết không thể trở lại Việt Nam và quyết định trả nhà trước thời hạn. Dịch bệnh cũng khiến lượng chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam sụt giảm mạnh, trong khi nguồn cung khu vực lớn nên việc tìm khách thuê của chị Tuyền càng khó khăn hơn. Căn hộ của chị bỏ trống từ tháng 3 và đến đầu tháng 6, sau khi giảm giá thuê và tăng phí môi giới, chị mới tìm được khách thuê. Hiện chị Tuyền rất mệt mỏi với suất đầu tư này vì so với những gì đã bỏ ra và số tiền thu về thì chị đã lỗ nặng. Chị dự định qua đợt dịch bệnh, khi thị trường ấm lên, sẽ bán căn officetel.
Tương tự chị Tuyền, ông Lê Khánh Hưng (quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) cũng đầu tư một căn hộ officetel diện tích 50m2 với giá hơn 2 tỷ. Sau khi nhận nhà, ông Hưng làm nội thất mất 500 triệu. Tổng chi phí bỏ ra cho căn officetel này là 2,5 tỷ. Thế nhưng ông Hưng cũng chỉ cho thuê được 14 triệu/tháng. Đáng nói, cả 2 khách thuê gần đây nhất của ông là các startup và dù ký hợp đồng dài hạn nhưng cả 2 đều hoạt động không hiệu quả và buộc phải phá hợp đồng trước hạn. Khi nguồn cung văn phòng khu vực nhiều hơn, giá thuê căn officetel của ông giảm xuống còn 13 triệu/tháng. Sau đó, ông Hưng cũng cho 1 gia đình 3 người từ TP.HCM ra Hà Nội công tác thuê nhưng được thời gian ngắn họ cũng trả lại căn hộ. Nguyên nhân theo họ là rất nhiều căn officetel trong dự án cũng chỉ tầm 30-50m2 cũng bị biến tấu làm nhà ở như căn officetel họ thuê. Một căn thường là nơi cư trú của 1 gia đình 3-4 người khiến mật độ người sinh sống rất đông, hệ thống hạ tầng trong dự án từ thang máy, lối đi, nơi đỗ xe… rơi vào tình trạng quá tải.
Sau khi thấy việc cho thuê không ổn định, ông Hưng quyết định bán lại căn hộ. Và oái ăm là dù rao bán từ tháng 10/2019 và để bán được nhanh đến đầu năm 2020 ông chấp nhận cắt lỗ nhưng đến nay vẫn chưa đẩy được hàng. Nguyên nhân là bởi khung pháp lý cho officetel chưa rõ ràng, cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp nên khách mua đều e dè. Đến giờ căn officetel của ông Hưng đang bỏ trống, ông giao chìa khóa cho môi giới và xác định có khách thuê thì cho thuê, còn cũng không quá bận tâm. Cũng như chị Tuyền, ông đợi thị trường tốt lên sẽ ráo riết hơn trong việc bán căn officetel.
(nguồn: https://batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/nguoi-mua-khon-don-voi-bat-dong-san-con-lai-ar104761)