Nhà đầu tư địa ốc vẫn miệt mài tìm hàng “cắt lỗ”

Đăng bởi SJK LAND vào lúc 31/05/2021

Không chỉ sau đợt sốt đất lần này, mà trước đó, nhiều Nhà đầu tư (NĐT) Bất động sản (BĐS) có dòng tiền tốt vẫn bắt “điểm rơi” của thị trường, săn tìm cơ hội để mua được BĐS với giá hợp kỳ vọng. Đó có thể là những BĐS bị “ngộp” sau những đợt nóng sốt.

Anh Q, ngụ Tp.Thủ Đức, có kinh nghiệm ĐT hơn 5 năm trên thị trường (TT) BĐS. Vừa ở vai trò NĐT kiêm môi giới BĐS nên anh Q khá rành rọt TT. Kinh nghiệm của NĐT này từ trước đến nay là "nóng sốt bán ra, trầm lắng mua vào". Sau mỗi đợt giá BĐS có dấu hiệu chững lại hoặc đi ngang, anh Q sẽ hùn tiền với một vài người bạn, tìm BĐS để mua vào, sau đó chờ đợi chu kì tăng trưởng giá tiếp theo và bán ra.
 

Hoặc theo NĐT này, do làm ở lĩnh vực môi giới nên anh có biết những NĐT bị "ngộp" hàng sau mỗi đợt sốt. Đó có thể là những NĐT ôm nhiều BĐS cùng lúc chưa kịp thoát ra, hoặc ôm 1-2 BĐS nhưng các BĐS này đều sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư "lướt sóng". Thế nhưng, chưa kịp lướt thì BĐS hạ nhiệt, đành chào giá vốn hoặc nhỉnh hơn chút. "Tôi sẽ mua lại những BĐS này để chờ đợi, và hầu hết các BĐS thời gian sau đó đều tăng giá, thậm chí có những BĐS tăng giá mạnh", anh Q cho hay.

Tuy nhiên, NĐT này cũng cho biết, phải biết lựa hàng "ngộp", không phải cứ thấy hàng rẻ là mua vào. Có những nền đất nền vị trí xấu, dính cống, cột điện, hẻm cụt…dù bán giá mềm nhưng để ra hàng sau này rất khó. Cũng phải hiểu rằng, phải có lý do thì NĐT trước đó mới khó thoát hàng nhanh trong đợt sốt. Cho nên, tìm hàng "ngộp" nên cạnh việc thương lượng giá cả thì NĐT phải quan sát kỹ sản phẩm, đánh giá tính thanh khoản sau này.

Chia sẻ về câu chuyện, liệu có đợt bán tháo, bán lỗ BĐS sau cơn sốt đất lần này, và nhiều người sẽ vào tìm kiếm BĐS xuống giá, hầu hết các chuyên gia trong ngành đều khẳng định, hiện tình trạng này chưa diễn ra rõ nét trên TT. Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, sẽ không có chuyện NĐT bán tháo BĐS ở đợt dịch lần này. Tâm lý này cũng giống như nắm ngoái. TT sẽ không có giao dịch mua bán nhiều sau cơn sốt, tất nhiên là một số NĐT kẹt tiền thì bán ngang giá, gấp quá thì hạ giá một chút, còn bán tháo bán lỗ không diễn ra trên diện rộng.

Mặc dù đợt dịch Covid-19 diễn ra đúng thời điểm này nhưng theo ông Hoàng, NĐT đã quen với dịch rồi nên không còn hoang mang, hoảng loạn nữa. Vì thế, NĐT xác định đầu tư lâu dài, cứ để đó; mức giá bán không thay đổi gì. Tâm lý chung của NĐT là chờ cho hết năm qua dịch, tính tiếp. Cũng theo vị chuyên gia này, trên TT BĐS hiện nay vẫn có một số người sẵn tiền đi săn hàng "ngộp". Hiện tượng này hầu hết diễn ra sau các đợt sốt trước đó, không riêng gì đợt sốt này.

Trước đó, chia sẻ về hiện tượng này, ông Mai Đức Toàn, chuyên gia có nhiều năm trong lĩnh vực BĐS cũng khẳng định, phân khúc đất nền pháp lý minh bạch, giá vừa tầm sẽ vẫn được người mua quan tâm bất chấp tình hình dịch bệnh. Ở một khía cạnh khác, giống như chứng khoán, "nóng sốt bán ra, trầm lắng gom vào", giai đoạn TT BĐS đang có phần yên ắng như hiện nay được xem là cơ hội tốt cho nhà đầu tư mong muốn sở hữu các BĐS với mức giá hợp lý. 
Đây chính là lúc TT "bắt đáy" để tạo đà bật lên ở những tháng tới. Nhà đầu tư có thể gom mua những dự án bán cắt lỗ. Bởi vậy đối với những nhà đầu tư có nguồn tài chính lớn có thể cân nhắc đầu tư, lựa chọn một thời điểm "vàng" để mua vào nhân lúc dịch bệnh còn xấu.

Cũng từng chia sẻ về vấn đề này, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, TT lúc chậm lại sẽ xuất hiện các NĐT cơ hội. Nhóm đầu tư này thường quan tâm BĐS mà các NĐT trước đang bị mắc kẹt, tùy vào mỗi sản phẩm. Nhóm này quan tâm mạnh đến yếu tố lợi nhuận và thanh khoản. Đây là nhóm NĐT có sẵn tiền mặt, kì vọng lợi nhuận khi đầu tư vào BĐS rất cao.

"Những dự án mà nhiều NĐT khác đang bị ngợp tài chính, không tiếp tục đóng được tiền nữa thì đây sẽ là cơ hội cho các NĐT có tài chính mạnh "nhảy vào"", TS Khương nhấn mạnh.

Chẳng hạn, những NĐT mua nhà phố ở góc ngã tư để làm văn phòng, vừa đầu tư BĐS. Nếu trước đây, góc ngã tư thường giá đất cao, cho thuê giá cao thì do hiện ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều người thuê trả mặt bằng. Có thể giá một căn nhà phố khoảng 15-20 tỉ đồng, nhưng NĐT có 7-8 tỉ, đi vay thêm và lấy tiền thuê đắp vào nhưng hiện tại có nhiều trường hợp mất khả năng trả luôn vì không có khách thuê. Đây cũng chính là cơ hội "xuống tiền" cho những NĐT có dòng tài chính sẵn mạnh.

Hạ Vy

Theo Nhịp sống kinh tế

Tags : Phân tích - nhận định, tin thị trường
popup

Số lượng:

Tổng tiền: