THÔNG TIN TOÀN TUYẾN ĐƯỜNG TÂY THĂNG LONG - CON ĐƯỜNG HUYẾT MẠCH TÂY BẮC HÀ NỘI

Đăng bởi Phạm Ngọc Hoàng vào lúc 21/12/2020

Hạ tầng giao thông luôn được xem là xương sống trong sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương. Hạ tầng giao thông luôn phải đi trước, định hướng cho các công trình, dự án dân sinh khác. Thủ Đô Hà Nội đang có sự chuyển mình lớn sau hơn 10 năm được mở rộng, các con đường mang tính biểu tượng đã và đang được không ngừng xây dựng, trong đó có tuyến đường Tây Thăng Long.

Theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường Tây Thăng Long có chiều dài toàn tuyến là 33km, điểm đầu từ đường Vành Đai 2 (Võ Chí Công), điểm cuối là thị xã Sơn Tây, đi qua địa phận các quận, huyện: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức. Được chia làm 02 đoạn có tính chất khác nhau.

Đoạn thứ nhất: được xếp hạng chục chính đô thị Ký hiệu TC06 đi từ nút Tây Hồ Tây (Vành đai 2) qua Vành đai 3 đến Cổ Nhuế đi tiếp cắt đường vành đai 4 tại xã Tân Hợi, có tổng chiều dài vào khoảng 12,91km, quy mô mặt cắt ngang 60,5m, gồm 02 lòng đường xe chạy chính rộng 11,25mx2 = 22,5m; 02 lòng đường gom rộng 7mx2 = 14m; dải phân cách trung tâm rộng 6m; 02 dải phân cách giữa lòng đường chính và đường gom rộng 1mx2 = 2m, vỉa hè hai bên đường rộng 8mx2 = 16m.

Đoạn thứ hai: được xếp hạng hệ thống giao thông ngoài đô thị có tổng chiều dài 20,16km điểm đầu từ đường Vành đai 4 đoạn thị trấn Phùng – Đan Phượng và kết thúc tại Sơn Tây nối vào quốc lộ 32. Đoạn đường có mặt cắt ngang điển hình 40m, quy mô 06 làn xe.

Theo tiến độ, thời gian thi công của đường Tây Thăng Long, chúng tôi chia thành 05 giai đoạn:

Đoạn I:

Từ nút giao với đường Võ Chí công tại khu vực Tây Hồ Tây đến đường Phạm Văn Đồng, phía nam của công viên Hòa Bình, có tổng chiều dài 2,05km. Hiện tại đoạn đường này đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng trong việc điều phối phương tiện lưu thông trên hai tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công trong thời gian đường Phạm Văn Đồng đang sửa chữa. Đoạn đường này cũng chính là ranh giới mềm giữa hai siêu đô thị là Ngoại Giao Đoàn và Starlake, chi phí thực hiện tuyến đường này chủ yếu do chủ đầu tư khu đô thị Starlake xây dựng.

Đoạn II:

Theo Quyết Định 3544/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 11/7/2018 về việc phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Tây Thăng Long (đoạn đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng). Đoạn đường có điểm đầu tại nút giao với đường Phạm Văn Đồng, điểm cuối tại nút giao với đường Văn Tiến Dũng, chiều dài khoảng 3,3km, thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Tổng mức đầu tư vào khoảng 1.494,4 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 823,5 tỷ đồng. Chi phí xây dựng là 400,9 tỷ đồng. Đoạn đường được khởi công từ 15/12/2019, theo phương châm giải phóng mặt bằng đến đâu thi công đến đó, dự kiến hoàn thành và thông xe năm 2021. Theo ghi nhận của chúng tôi hiện tại tuyến đường đang đẩy mạnh thi công từ gần UBND phường Cổ Nhuế 2, đến sông Nhuệ từ Sông Nhuệ qua đoạn trước Học viện Cảnh Sát nhân dân tới đường Văn Tiến Dũng.

Đoạn III:

Từ đường Văn Tiến Dũng đến đường 70 đoạn thuộc địa phận phường Tây Tựu, có chiều dài 2,8 km. Đoạn đường này cơ bản đã lưu thông thuận tiện hai chiều, còn một số hạng mục về cây xanh, đèn chiếu sáng, vỉa hè đang được hoàn thiện, không ảnh hưởng đến việc di chuyển của các phương tiện giao thông.

Đoạn IV:

Từ đường 70 đến đường vành đai 4 thuộc địa phận thị trấn Phùng – huyện Đan Phượng có chiều dài 4,9km. Đoạn đường hiện tại đã thi công được hơn 500m, phần còn lại đi qua phần lớn đất nông nghiệp nên dự kiến sẽ được tiến hành khá nhanh.

Đoạn V:

Trùng với phần đường ngoài đô thị của tuyến đường Tây Thăng Long, chiều dài 20,16km điểm đầu từ đường Vành đai 4 đoạn thị trấn Phùng – Đan Phượng và kết thúc tại Sơn Tây nối vào quốc lộ 32. Đoạn đường có mặt cắt ngang điển hình 40m. Đoạn đường này chưa được triển khai.

Đánh giá về tầm quan trọng của tuyến đường chúng tôi đưa ra ba nhận định lớn:

Thứ nhất:

Tuyến đường Tây Thăng Long khi đi vào hoạt động sẽ tháo gỡ nút thắt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội các quận, huyện Tây Bắc Thủ Đô như Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây. Phá vỡ thế độc đạo của tuyến đường Quốc lộ 32, khởi đầu cho sự phát triển mới của khu vực.

Thứ hai:

Tuyến đường Tây Thăng Long đóng vai trò là trục hướng tâm quan trọng kết nối các quận, huyện Tây Bắc Hà Nội với nhau và giữa trung tâm Hành chính mới đặt tại Tây Hồ Tây với thành phố vệ tinh Sơn Tây, giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái…

Thứ ba:

Đường Tây Thăng Long ngoài ý nghĩa là tuyến đường giao thông thì đây còn mang giá trị cảnh quan rất lớn, tạo nên bộ mặt văn minh cho thủ đô, đồng thời đây cũng góp phần bổ sung cho sự hưng thịnh về phong thủy cho trung tâm Hành chính mới đặt tại Tây Hồ Tây.

Có thể nói đường Tây Thăng Long là điều kiện cần và là yếu tố quan trọng nhất để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của khu vực Tây Bắc Hà Nội. Đây chính là mảnh ghép còn thiếu để tạo nên sự phát triển vượt bậc cho kinh tế - xã hội của khu vực này.

 

Tags : Phân tích - nhận định, thông tin quy hoạch, tiến độ hạ tầng, tin thị trường
popup

Số lượng:

Tổng tiền: