Với những chỉ số thống kê và dự báo của SJK Việt Nam cho thấy, thị trường bất động sản giai đoạn 2022 - 2023 sẽ là thời điểm trầm lắng, lượng giao dịch sụt giảm, nguồn cung giảm, giá cả trên thị trường thứ cấp ở một số phân khúc đang quay đầu trở về quỹ đạo giá đúng với giá trị của nó.
Trong bối cảnh toàn bộ thị trường đang bị "sốc" do chính sách vay vốn tại các ngân hàng đang khó khăn, do lãi suất tăng, room tín dụng vào bất động sản cũng hạn hẹp, nhà đầu tư thì ôm nhiều bất động sản nhưng không thoát được hàng. Tình cảnh chung này khả năng sẽ kéo dài đến giữa cuối năm 2023, trong thời gian này, các hoạt động của thị trường diễn biến chậm, đối với các giao dịch trên thị trường bất động sản chủ yếu là các sản phẩm tiêu dùng (nhà ở trong các khu đô thị trung tâm hoặc các shophouse kinh doanh khai thác được ngay...). Đối với thị trường M&A lại bước vào giai đoạn sôi động, khi các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội ở Việt Nam đang rộng mở khi các chỉ số tăng trưởng của Việt Nam rất tốt.
Trong quý 3 năm 2022, GDP Việt Nam tăng 13,7% theo năm và trong 9 tháng đầu năm, mức tăng trưởng GDP là 8,8% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng này đang là cao nhất trong 12 năm.
Đánh giá được tình hình tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam, dòng vốn FDI đang đổ dồn vào Việt Nam vì nhiều nhà đầu tư cần đa dạng hóa sản xuất. Trong khi, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ KH&ĐT) công bố cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 22,4 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân tăng 15,2%, ước đạt 17,45 tỷ USD.
Trong thời gian vừa quan, thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm, hầu đa các cổ phiếu niêm yết đều giảm, có những cổ phiếu giảm đến 80% so với giá giao dịch đầu năm, điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư lo lắng, nhưng bản thân hoạt động nội tại của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam vẫn hiệu quả, do lượng cung cầu nội tại trong nước vẫn mạnh, đặc biệt là các lĩnh vực tiêu dùng.
Dựa vào tiềm năng nội tại và các chỉ số đang tin cậy về thị trường, nhiều nhà đầu tư nhận thấy đây là cơ hội để thực hiện các hoạt động Mua bán - sáp nhập (M&A) với các thương vụ lớn. Tổng lượng giá trị giao dịch của các thương vụ M&A trong tháng 10/2022 tại Việt Nam giảm khoảng 47,4% so với năm 2021, trong các thương vụ này, chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng, bất động sản... Với 93 thương vụ M&A đã hoàn thành trong 10 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành người dẫn dắt thị trường, với giá trị 1,3 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp Singapore đứng thứ 2, với giá trị 1,2 tỷ USD.
Trong thời gian tới, khối ngoại sẽ tăng cường các thương vụ lớn, bởi hiện tại thị trường Việt Nam đang rất cô đặc, nhiều dự án lớn đang gặp phải tình trạng thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp khó khăn trong hoạt động điều hành, khó khăn trong hoạt động quản lý và duy trì hoạt động của doanh nghiệp...