Điểm mặt dự án bất động sản (BĐS) trên thị trường Hà Nội, hàng loạt khu văn phòng, chung cư, hay trung tâm thương mại mang tên “tây” khiến khách hàng không khỏi hoa mắt, chóng mặt.
Tại Hà Nội, hàng loạt dự án từ khu văn phòng, tòa nhà chung cư đến các trung tâm thương mại mang tên “tây” như dự án Dolphin Plaza , tòa nhà Hemisco, tổ hợp văn phòng cho thuê và chung cư cao cấp FLC Landmark Tower , trung tâm thương mại Savico Plaza Hà Nội , dự án The Garden , Thiên đường mua sắm Vincom Galleries … Chỉ riêng khu Bắc An Khánh cũng đã có hai dự án mang tên rất “kêu”, Tricon Towers và dự án Splendora .
Tâm lý chuộng hàng ngoại đã không còn là câu chuyện quá lạ đối với người Việt. Theo nhiều khách hàng, chất lượng công trình là thứ khó kiểm chứng đối với dự án BĐS, khách hàng chủ yếu mua dựa vào thương hiệu của chủ đầu tư và giá cả. Anh Cẩm Tú, nhân viên ngân hàng cho hay, khi tìm mua nhà, điều đầu tiên anh quan tâm là uy tín của chủ đầu. “Những dự án mang tên ngoại thường có giá khá cao nhưng vẫn được nhiều người mua bởi khách hàng tin tưởng lối làm ăn, phong cách và trên hết, họ tin đó không phải là dự án ma”, anh Tú chia sẻ.
Lấy tên “tây” cho công trình “ta”, các dự án thường được nhiều khách hàng quan tâm hơn. Nhưng bên cạnh tên tây, tên ta, không ít những câu chuyện dở khóc dở cười. Mất ròng rã 2 tháng trời để tìm căn hộ, bác Hạnh Lệ (Cầu Giấy – Hà Nội) khá hài lòng với căn hộ trị giá 1.400 USD mỗi m2 tại dự án Tricon Tower. Về đến nhà, dở khóc, dở cười bác không thể nhớ nổi cái tên nghe rất tây của dự án để khoe với gia đình. Về sau, để dễ nhớ, bác phải tự sáng chế một cái tên “độc nhất vô nhị” là dự án “Dì con”.
Chính người trong nghề như môi giới bất động sản, thường xuyên tiếp xúc với các dự án cũng hoa mắt chóng mặt vì những cái tên. Anh Thái Sơn, một môi giới trên đường Hoàng Quốc Việt, cho hay, mặc dù không ít dự án mang tên Việt bán khá chạy trên thị trường như KĐT Xa La, Văn Phú, KĐT Văn Khê nhưng chạy theo xu thế chung, chủ đầu tư thường thích đặt tên nước ngoài cho… sang. Chiến thuật này đánh vào tâm lý của người Việt là sính đồ ngoại. “Chưa cần biết đến chất lượng ra sao, nhưng nghe những cái tên nước ngoài vẫn thể hiện được phần nào đẳng cấp của dự án”, anh Sơn chia sẻ.
Làm 10 năm trong nghề, với bất cứ dự án nào có trên thị trường là phải cập nhật, nhưng đối với các tên ngoại, anh Sơn cũng phải mất đến một tuần để khi khách hàng hỏi là “bật” ngay ra tên các dự án. Anh Sơn tiết lộ thêm, tên khó nhớ là vậy nhưng “cò” vẫn thích bởi các dự án này chào hàng dễ hơn. Tại một dự án ở khu Hà Đông, mặc dù chủ đầu tư trong nước, đối tượng hướng đến cũng chỉ là gia đình có thu nhập trung bình khá cũng được cò “hét” đến khoảng 20 triệu mỗi m2 vì cái tên ngoại kèm lời quảng cáo “chung cư cao cấp mô hình hiện đại”. “Khách hàng khó kiểm chứng chất lượng bởi dự án chưa được hoàn thiện. Bởi vậy, dù chủ đầu tư là nội 100% nhưng nhờ có mác “tây” mà môi giới có thể đẩy giá lên mà không lo khách hàng chê đắt”, anh Sơn tiết lộ.
Nhiều CĐT cho rằng, tên dự án chính là một phần thương hiệu, thể hiện đẳng cấp bởi vậy doanh nghiệp cần phải đầu tư. Dự án KĐT Splendora được nhiều khách hàng “chê” khó nhớ, khó đọc và vô nghĩa vì “có tra từ điển cũng không hiểu nổi” được chủ đầu tư giải thích đó là một cái tên độc đáo mang tầm nhìn khu đô thị hiện đại.
Theo đại diện Công ty liên doanh An Khánh, để ra được tên Splendora, CĐT đã phải cùng công ty truyền thông dày công nghiên cứu kết hợp giữa “Splendid” trong tiếng Anh nghĩa là “tươi sáng” với “ora”, tiếng Latin có nghĩa là “vàng”. “Không phải dễ dàng để phát âm nhưng Splendora như một sự khẳng định hai lần về sản phẩm của An Khánh JVC: Splendid và ora. Bởi vậy, khi khách hàng đã nhớ rồi, thì chắc chắn sẽ khó quên”, đại diện của An Khánh JVC chia sẻ.
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Vincom, cho hay, rất khó có những quy chuẩn cho việc đặt tên dự án. Tùy quy mô dự án mà CĐT đưa ra phương án đặt tên khác nhau. Đối với các chợ hay siêu thị nhỏ phục vụ khách trong nước là chủ yếu thì việc mang tên nước ngoài khó nhớ sẽ lại là bất lợi và phản cảm.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, tên nước ngoài là sự lựa chọn bắt buộc của doanh nghiệp khi tiếng Việt không đáp ứng đủ những yêu cầu mà chủ đầu tư đặt ra. Bởi trong tiếng Việt, các từ siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm đôi khi không đủ nói lên đủ tầm cỡ của một trung tâm thương mại. Ngược lại, trong tiếng Anh có các từ như: (Shopping) Mall, Shopping Centre, Plaza, Galleries… thể hiện rõ tầm cỡ, quy mô và đẳng cấp của một trung tâm thương mại.
Ngoài ra, trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh nhóm khách hàng trong nước, các trung tâm thương mại còn hướng đến đối tượng khách hàng nước ngoài. Cũng theo ông Hiệp, đối với dự án BĐS, chất lượng của công trình là điều quan trọng nhất. Dự án không đảm bảo thì bất cứ cái tên tây nào cũng khó mà thu hút được khách hàng.
Trao đổi với TS, một quan chức của Bộ Xây dựng cho hay, hiện vẫn chưa có quy định bắt buộc đối với việc đặt tên các dự án BĐS. Chính điều này dẫn đến việc “loạn” tên, các dự án đua nhau lấy tên ngoại, gây khó nhớ cho khách hàng. Theo vị quan chức này, để dự án đến với đông đảo người dân và thông tin được minh bạch, chủ đầu tư nên lấy tên thuần Việt. “Dự án nên sử dụng tiếng Việt để dễ nhớ và thuận tiện trong quá trình giao dịch. Nếu muốn dùng tên nước ngoài, chủ đầu tư có thể sử dụng song song kèm tên tiếng Việt”, vị quan chức nói.