Để tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự(BT), mua om giữ không sử dụng… Thủ tướng lưu ý Bộ Xây dựng cần điều tiết bằng cơ chế thuế. Liệu sắp tới, những khu BT 'ma' có hết cảnh bỏ hoang nhiều năm?
Trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng đưa ra vấn đề cần có chiến lược chủ động phát triển thị trường bất động sản(BĐS); gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý có mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.
Phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, BT, mua để đấy không sử dụng…
Câu chuyện đánh thuế BT bỏ hoang, mua rồi để đấy không sử dụng, vừa gây mất mỹ quan, lại vô cùng lãng phí đã được đưa ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có đáp án cuối cùng.
Trong khi đó, thực tế hiện nay, tại nhiều khu đô thị trên địa bàn Hà Nội vẫn đang tồn tại không ít số lượng các căn BT đã xây thô rồi bỏ không nhiều năm.
Đơn cử, Khu đô thị Lideco nằm trên đường 32, thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) là DA do Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư có quy mô 38,23 ha với tổng mức đầu tư 781 tỷ đồng gồm hơn 600 căn BT thiết kế theo phong cách tân cổ điển.
Đến năm 2013, thời điểm hoàn thành dự án Bắc quốc lộ 32 theo kế hoạch, nhưng chỉ có 400 căn BT tại đây được bàn giao cho khách hàng.Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007, thời điểm đó, chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thiện vào năm 2013.
Mặc dù đã bán được hơn nửa số căn biệt thự của khu đô thị, nhưng đến nay khu đô thị này vẫn vắng bóng người. Phần lớn người mua nhà vẫn chưa nhận nhà, chưa chuyển về ở khiến hàng trăm căn BT bỏ hoang, nằm phơi sương gió, xung quanh cỏ dại mọc xanh um tùm.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở dự án khu đô thị mới Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội) do Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Rất nhiều BT đã xây thô bị bỏ hoang cả chục năm nay, số căn BT có chủ nhân về ở chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Có những căn BT rộng tới gần 400m2, dây leo chằng chịt, cây cối mọc um tùm khiến khu đô thị trở nên hoang lạnh. Trên một số căn treo số điện thoại rao bán.
Hay như tại dự án Khu BT Vườn Cam - Orange Graden do Công ty cổ phần VinaPol làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2007. Đến năm 2015, dự án được UBND TP Hà Hà Nội phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Từ năm 2019, dự án được "tái khởi động" lại khi chủ đầu tư cho xây dựng các căn BT, nhà vườn...
Khu BT Vườn Cam có quy mô dân số khoảng 7.000 người, được thiết kế xây dựng gồm 162 lô BT song lập, 260 lô BT đơn lập tiêu chuẩn, 174 lô BT đơn lập cao cấp, 25 lô BT nhà vườn cao cấp, mỗi lô có diện tích từ 200- 800 m2.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều căn BT hoành tráng tại dự án vẫn bỏ hoang, hàng trăm tỷ của nhà đầu tư bị chôn vùi, còn gì lãng phí hơn.
Theo Minh Thư
Infonet