Góp tiền mua chung bất động sản với người khác thì có những rủi ro gì?

Đăng bởi SJK LAND vào lúc 16/11/2020

Tôi có góp tiền với gia đình chị họ 5 tỷ để nhờ mua đất (không có giấy tờ gì để xác nhận). Sau đó tôi cũng có hỏi, bên kia cũng báo là mua rồi. Đến những năm gần đây, tôi biết được gia đình chị họ có mua 1 mảnh đất dự án, giấy tờ mua bán đứng tên vợ chồng chị họ, mảnh đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Gần đây, tôi cũng đã gọi điện cho vợ chồng chị họ và đề nghị viết 1 cái giấy xác nhận 2 bên góp tiền mua đất. Vì là đất dự án nên không tách thửa sang nhượng 1 nửa được. Tôi nên viết theo hình thức nào, và nội dung như thế nào để bảo vệ quyền lợi. Tôi định viết theo ý mỗi người sở hữu 1 nửa giá trị mảnh đất theo giá trị trường. Bên kia là không được bán khi chưa có sự đồng ý của tôi..... Có được không?

Nếu bên kia không đồng ý ký thì sao? tôi có đòi được tiền không? mong Luật sư tư vấn?

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến chúng tôi. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015

2. Luật sư tư vấn:

2.1. Quy định về chứng cứ theo pháp luật:

Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

3. Lời khai của đương sự.

4. Lời khai của người làm chứng.

5. Kết luận giám định.

6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.

7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.

8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

9. Văn bản công chứng, chứng thực.

10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.

 

Bên cạnh đó, Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định việc xác định chứng cứ như sau:

1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

3. Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

4. Vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.

5. Lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòà.

6. Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

7. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

9. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

10. Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

11. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định.”

 

Theo thông tin anh cung cấp, việc giao nhận tiền giữa anh và vợ chồng người chị họ của anh không có giấy tờ gì xác nhận. Do vậy, để thu thập thêm chứng cứ chứng minh việc đưa tiền, anh có thể thực hiện theo hướng dẫn trên như ghi âm, ghi hình, thông qua trao đổi bằng các phương tiện thông tin (tin nhắn,..) hoặc lập văn bản về việc đã giao nhận tiền, đồng thời yêu cầu bên gia đình vợ chồng chị họ của anh cung cấp các giấy tờ chứng minh về việc đã mua đất bằng số tiền mà anh đã đưa.

 

2.2. Các vấn đề cần lưu ý khi thỏa thuận mua đất chung:

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Theo quy định của Bộ luật dân sự, các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.

 

* Lưu ý: Về các vấn đề thỏa thuận trong Biên bản thỏa thuận giữa anh và bên phía gia đình vợ chồng chị họ của anh cần chú ý các vấn đề sau:

  • Khẳng định anh đã đưa đủ số tiền 5 tỷ đồng cho bên vợ chồng chị họ. Mục đích chuyển tiền để mua đất hoặc căn hộ nhằm mục đích sử dụng chung.
  • Vì mảnh đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên sau khi bên vợ chồng chị họ nhận được thông báo cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất thì vợ chồng chị họ có trách nhiệm thông báo cho anh; Và việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cấp chung cho cả hai bên.
  • Hai bên thoả thuận mỗi bên đã đóng góp 50% tiền mua nhà. Trong trường hợp một trong hai bên muốn bán, chuyển nhượng, ...căn nhà phải được sự đồng ý của Bên còn lại. Không bên nào được tự ý cầm cố, thế chấp, ... căn nhà mà không được sự đồng ý của bên còn lại.
  • Bên cạnh đó, trong trường hợp cả hai Bên là đồng sở hữu căn nhà thì cả hai bên đều có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản chung này. Căn cứ Điều 218 Bộ luật dân sự 2015 về việc định đoạt tài sản chung:

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này.

Trong trường hợp muốn chia tài sản thuộc sở hữu chung được quy định tại Điều 219 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“1. Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.”

  • Ngoài ra, quy định về trách nhiệm, quyền lợi khác của các bên.
  • Theo quy định của pháp luật, Biên bản thỏa thuận giữa hai bên không thuộc trường hợp bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý Quý khách có thể yêu cầu bên có chức năng công chứng, chứng thực hoặc ghi nhận sự kiện pháp lý trên.

2.3. Giải quyết tranh chấp khi góp tiền mua đất chung

Trong trường hợp của anh, nếu anh và vợ chồng người chị họ không không thể thỏa thuận được việc chia tài sản thuộc sở hữu chung hoặc một trong các bên không đồng ý việc chuyển nhượng tài sản chung cho người thứ ba thì vụ việc được giải quyết tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú.

Đồng thời, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập để giải quyết vụ việc dân sự.

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: