Làm gì khi chủ đầu tư - công ty bất động sản phá sản?

Đăng bởi SJK LAND vào lúc 13/09/2020

Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhiều công ty BĐS đã rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, buộc lòng phải đi đến con đường phá sản.

Khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với một công ty BĐS thì nhiều khách hàng (người cho vay, người mua dự án nhà đất đã đóng một phần hoặc toàn bộ tiền nhưng chưa nhận được nhà đất…) của công ty BĐS rất lo lắng về số phận của lượng tiền mà mình đã bỏ ra. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, như là khách hàng có bị mất trắng số tiền đó hay không? Làm sao để đòi lại số tiền đó?...

Quý khách hàng có thể tìm hiểu một số lưu ý tham khảo chia sẻ như sau:

Thứ nhất, chủ nợ của công ty BĐS bị phá sản có thể không bị mất trắng khoản tiền mà mình đã bỏ ra, nếu sau khi xử lý các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm; chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty mà công ty vẫn còn tài sản.

Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản năm 2014, sau khi thanh toán các khoản nêu trên mà công ty còn tiền thì phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Do đó, việc khách hàng có bị mất trắng khoản tiền mà mình bỏ ra mua nhà ở chủ đầu tư phá sản hay không, hoặc được nhận lại bao nhiêu là phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng công ty bị phá sản.

Thứ hai, một khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với một công ty BĐS thì khách hàng cần phải thực hiện ngay quyền của chủ nợ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình, đó là quyền đòi nợ.

Cụ thể, theo Điều 66 Luật Phá sản năm 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Giấy đòi nợ phải có các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ.

- Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ, số nợ đến hạn và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà công ty phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có).

Đồng thời, kèm theo giấy đòi nợ là tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó. Giấy đòi nợ phải do chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.

Lưu ý, nếu quá thời hạn nêu trên mà khách hàng không thực hiện quyền đòi nợ thì coi như từ bỏ quyền đòi nợ; trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan không tính vào thời hạn quy định nêu trên.

Tags : Chính sách - quản lý, Phân tích - nhận định, tin thị trường
popup

Số lượng:

Tổng tiền: