Làm môi giới bất động sản, có thể hái ra tiền khi chỉ cần khéo ăn nói?

Đăng bởi SJK LAND vào lúc 14/08/2020

Tôi bắt đầu nghề môi giới BĐS trong thời gian chật vật tìm việc khi mới ra trường với suy nghĩ nghề này chỉ cần khéo ăn nói là có thể "hái ra tiền". Sau 4 năm, tôi nhận ra đây là nghề vô cùng thú vị, rèn người tốt nhưng đòi hỏi nhiều hơn một tấm bằng đại học.

Gắn bó với nghề môi giới đã 6 năm, anh Ngọc Hoàng chia sẻ, hai tháng sau khi ra trường, anh đi rải hồ sơ xin việc khắp nơi nhưng không tìm được công việc ưng ý. Sau đó, anh chấp nhận làm tạm một công việc bán thời gian để có tiền tiêu trong thời gian tiếp tục tìm việc. Đến gần Tết, một lần vô tình anh đọc được một bài báo về một công ty trong ngành BĐS thưởng Tết cho nhân viên lên đến 500 triệu, thậm chí còn tặng nhà, tặng ô tô. Bị cuốn hút bởi thông tin này, anh Ngọc Hoàng bắt đầu đã nghĩ đến việc từ bỏ tìm kiếm công việc đúng chuyên ngành.

Lúc đó, Ngọc Hoàng nghĩ đơn giản rằng làm môi giới BĐS chắc chỉ cần khéo ăn nói, không cần bằng đại học hoặc cũng chỉ cần một tấm chứng chỉ để “lấy tin”, kiếm được một vài hợp đồng có khi bằng lương cả năm đi làm nghề khác. Đối với việc “dẻo mỏ” thì anh tự nhận thấy mình có đủ khả năng, mọi người cũng nhận xét anh là người khéo ăn, khéo nói.

Qua Tết, anh vẫn chưa tìm được công việc mình ưng ý nên anh càng nung nấu ý định thử làm môi giới BĐS với ý nghĩ cùng lắm thì thử vài tháng, Tết không “ấm” thì sang năm lại đổi nghề khác, dù gì vẫn còn trẻ, mới ra trường, không thử sao biết mình làm được hay không.

Đến đầu tháng 3, anh Ngọc Hoàng quyết định xin vào làm môi giới BĐS ở một sàn nhỏ. Anh kể, thời gian đầu anh chỉ tìm kiếm khách hàng bằng cách gọi điện thoại và phát tờ rơi. Có lần đang phát tờ rơi gặp người quen dù khá ngại nhưng anh vẫn động viên mình tiếp tục cố gắng thêm một thời gian. Nhận thấy tài ăn nói chỉ là một yêu cầu rất nhỏ trong nghề nên được những người đi trước hướng dẫn, anh đã bố trí thời gian để tham gia các khóa đào tạo kỹ năng phục vụ cho công việc. Sau một thời gian vào nghề, anh nhận thấy cách học hỏi hiệu quả nhất trong nghề môi giới BĐS là học từ những người đi trước và học từ chính khách hàng. Việc nói chuyện với khách hàng giúp anh nắm bắt được tâm lý và mong muốn của khách, từ đó tự rút ra bài học cho những lần tư vấn sau. Anh kể, mỗi ngày anh đều làm việc hơn 12 tiếng, thậm chí anh còn đăng bài quảng cáo và tìm khách xuyên Tết.

“Nhiều người cho rằng những người làm nghề môi giới BĐS là do 2 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất là thất nghiệp hoặc mới ra trường chưa tìm được việc. Thứ hai là nghĩ đây là nghề hào nhoáng, chỉ cần “chém gió, dẻo mỏ” là hái ra được nhiều tiền nên muốn thử sức. Lý do tôi vào nghề cũng nằm trong 2 nguyên nhân này. Tuy nhiên đến nay, với hơn 6 năm trong nghề, đạt được những thành công nhất định, tôi nhận ra rằng đây là nghề thú vị, rèn người rất tốt nhưng cũng không hề dễ dàng, có thể không cần bằng đại học nhưng đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng”.

Từ đầu năm đến nay, sau câu chuyện Alibaba và hàng loạt dự án ma, dự án chưa được phê duyệt quy hoạch, phê duyệt đầu tư hoặc xây dựng trái phép bị phanh phui, nghề môi giới BĐS dường như đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Để có thể trụ lại với nghề và đạt được những thành công nhất định, người môi giới BĐS cần đáp ứng rất nhiều điều kiện.

Điều kiện cần

- Hiểu đúng về nghề: Tình trạng một số “cò đất” lừa đảo đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn về những người làm nghề môi giới BĐS chân chính. Do đó, điều đầu tiên khi vào nghề là môi giới cần xác định tầm quan trọng của nghề, yêu nghề và tuân thủ đúng đạo đức nghề nghiệp.

- Kiên trì: Các chuyên gia cho rằng, để có thể thành công trong nghề, môi giới BĐS phải vượt qua khó khăn trong 2 năm đầu và làm nghề ít nhất 5 năm. Đặc biệt với những môi giới mới bước chân vào nghề, việc bị khách hàng từ chối, thậm chí thể hiện thái độ khó chịu là điều khó tránh khỏi nên kiên trì là yếu tố rất quan trọng.

- Chứng chỉ hành nghề: Thông tư 11/2015/TT-BXD của Bộ xây dựng quy định, từ năm 2016, nhân viên môi giới BĐS phải có các chứng chỉ hành nghề.

Điều kiện đủ

- Kiến thức: Sai lầm của nhiều người là nghĩ rằng để làm nghề môi giới BĐS chỉ cần có tài ăn nói là có thể dễ dàng thuyết phục khách hàng ký hợp đồng. Để tư vấn cho khách hàng, ngoài việc nắm rõ thông tin về sản phẩm, môi giới còn cần đến nhiều kiến thức liên quan về thị trường BĐS, kiến trúc, phong thủy, luật pháp...

- Kỹ năng: Bên cạnh kiến thức, môi giới BĐS cũng cần trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng. một số kỹ năng cần trang bị thêm như:

* Kỹ năng mềm: Vì trực tiếp tư vấn cho khách hàng nên người môi giới BĐS cần thiết phải có kỹ năng giao tiếp, tiếp nhận và truyền đạt thông tin chính xác, nhanh nhạy. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm cũng là điều kiện cần có. Nhiều người môi giới cho rằng làm việc độc lập sẽ thuận lợi hơn làm việc nhóm. Tuy nhiên, theo ông Paul Mason, Chủ tịch RED Global với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam cho rằng đây là một lầm tưởng. Thực tế, khách hàng không trung thành với bất kỳ một môi giới nào mà thích làm việc với một đội ngũ những người có đủ năng lực, họ chỉ theo đuổi những tiêu chuẩn mà người môi giới thể hiện. Hơn nữa, làm việc nhóm sẽ giúp môi giới hỗ trợ nhau tốt hơn và có thêm thời gian để trau dồi kỹ năng. Ngoài ra môi giới cũng cần có kỹ năng phân tích, kỹ năng đàm phán, thuyết phục...

* Kỹ năng marketing: Trên thực tế, hiện nay cứ 10 môi giới thì có đến 8 người nhận thức được rằng cần thiết phải ứng dụng công nghệ vào việc bán hàng như chạy quảng cáo facebook, sử dụng email marketing… Dù công nghệ không thể thay thế 100% vai trò của môi giới nhưng các môi giới sẽ ngày càng phải đối diện với nhiều thách thức. Việc cập nhật xu hướng công nghệ và trang bị thêm kỹ năng marketing sẽ giúp môi giới tiếp cận khách hàng tốt nhất, tối đa hiệu quả công việc.

* Kỹ năng quản lý tài chính: Nhiều môi giới BĐS cho biết, kỹ năng quản lý tài chính ảnh hưởng không nhỏ tới thành công của người môi giới. Người môi giới nên dành khoảng 30-40% thu nhập để truyền thông, chăm sóc khách hàng và các mối quan hệ cần thiết khác.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: