Đội ngũ môi giới BĐS thiếu kiến thức và đạo đức là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS phát triển bất ổn. Thị trường sẽ phát triển bền vững nếu lực lượng này có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ hơn.
Môi giới BĐS thiếu chuyên nghiệp
Một thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam vào năm 2019 cho biết, trong số khoảng 300.000 môi giới đang hoạt động tại các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập thì chỉ có khoảng 10%, tương đương 30.000 người có chứng chỉ nghề. Như vậy, phần lớn môi giới đang hoạt động tự phát, nghiệp dư, không được đào tạo bài bản. Điều này có nghĩa các hoạt động mua bán của thị trường đang không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bên mua và bên bán.
Ông Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cũng đưa ra một con số đáng chú từ kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng. Theo đó, có đến hơn 80% nhân viên môi giới tham gia khảo sát trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên dưới hình thức là nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.
Do đó, một bộ phận không nhỏ người hành nghề môi giới BĐS yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, các quy định quản lý. Và trên thị trường, một số lượng không nhỏ các sản phẩm được môi giới BĐS chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý BĐS, quy hoạch...
Đồng quan điểm, TS. Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho biết chưa có thời điểm nào, lượng “cò đất” lại bùng nổ về số lượng và hoạt động sôi nổi như mấy năm gần đây. Chỉ cần một status trên trang facebook cá nhân, nhất là trong những hội nhóm mua bán nhà đất khi có nhu cầu mua, bán, thuê, cho thuê đất, nhà, mặt bằng, hàng trăm comment lập tức thi nhau “nhảy vào” mời chào, môi giới. Nghiêm trọng hơn, việc thiếu kiến thức và am hiểu quy định của pháp luật khiến không ít môi giới BĐS trở thành “con bài” cho các sàn giao dịch BĐS ảo, lừa đảo lợi dụng.
|
Đội ngũ môi giới BĐS thiếu kiến thức và đạo đức là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS phát triển bất ổn |
Ông Minh cũng cho biết một thực tế hiện nay là các sàn giao dịch BĐS khi tuyển nhân viên môi giới đều không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn liên quan đến việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mà chủ yếu chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng. Chính vì vậy, hầu hết đội ngũ này đều thiếu những kiến thức cơ bản của một nhà môi giới BĐS chuyên nghiệp như: sự hiểu biết về pháp luật, các luật liên quan, các điều khoản trong hợp đồng mua bán…
Giải pháp nào cho sự lành mạnh của thị trường?
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng để lành mạnh và minh bạch hóa thị trường, về phía Nhà nước, cần sửa đổi luật kinh doanh BĐS 2014 theo hướng giao dịch mọi loại hình BĐS đều phải qua sàn giao dịch, xây dựng hệ thống quản lý giao dịch BĐS bằng công nghệ 4.0.
Với sàn giao dịch BĐS thì sàn đó phải ký quỹ để hoạt động kinh doanh như một loại ngành nghề có điều kiện, phải là đơn vị hoạt động kiểu mô hình sàn giao dịch chứng khoán, văn phòng công chứng, phải có số lượng môi giới BĐS đáp ứng yêu cầu nghĩa vụ và đúng quy định pháp luật.
Đối với môi giới BĐS, phải được đào tạo để đảm bảo yêu cầu kỹ năng nghiệp vụ chuyên nghiệp, phải có chứng chỉ hành nghề và được cấp mã số nghề nghiệp Quốc gia.
Đại diện của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho rằng cần hình thành và phát triển các trung tâm đào tạo môi giới BĐS chuyên nghiệp. Nhà nước cần quan tâm hơn nữa cho những ngành dịch vụ liên quan đến thị trường BĐS vì hiện nay hệ thống hạ tầng cho đào tạo nghề môi giới BĐS ở Việt Nam còn thiếu hụt. Nhìn chung, môi giới BĐS ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp và còn thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, hiện nay hoạt động đào tạo bài bản chuyên sâu cho người hành nghề chưa thực sự được quan tâm, và hiện đang thiếu một giáo trình hoàn chỉnh cho công tác đào tạo chứng chỉ hành nghề. Hiện mới chỉ một số ít trường ví dụ như trường Đại học Kinh tế quốc dân có trung tâm đào tạo đại học và sau đại học về hai chuyên ngành thẩm định giá và quản trị kinh doanh BĐS; Trường Đại học Kinh tế TP. HCM mới chỉ mở các lớp ngắn hạn về thẩm định giá BĐS….
Với tình hình đào tạo như vậy thì thị trường dịch vụ kinh doanh gắn với BĐS ở Việt Nam đang tồn tại một lỗ hổng lớn mà nếu không có chiến lược xây dựng ngay từ bây giờ thì Việt Nam sẽ tụt hậu xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Như vậy sự hình thành và phát triển của nghề môi giới là đòi hỏi cấp bách. Việc đào tạo cơ bản một cách có hệ thống đội ngũ các nhà môi giới BĐS là bước đi tất yếu và mang tính chiến lược.